Tết từ sâu thẳm cội nguồn
VHO - Với người Việt, Tết mang giá trị tinh thần lớn lao và ẩn sâu bên trong là đời sống tâm linh của mỗi gia đình, dòng tộc. Ngày Tết, tất cả những phong tục, tập quán xưa cũ trở nên hiện hữu và thiêng liêng hơn bao giờ hết. Ai cũng mặc nhiên tuân theo những nghi lễ cổ truyền, dù đâu đó còn chút mông lung, trừu tượng, đó chính là lúc sợi dây tâm linh vô hình trong mỗi chúng ta được đánh thức.
Một gia đình Hà Nội chụp ảnh Tết đầu thế kỷ XX. Ảnh: T.L
Khái niệm Tết khi còn thơ bé đơn giản chỉ là xúng xính khoe manh áo mới với chúng bạn, là cắn dè miếng bánh chưng dẻo dền cắm trên đôi đũa, đốt những quả pháo tép đì đẹt rồi hít hà mùi thơm nồng ấm, được hí hoáy nhét những đồng xu mới vào ống tre…, thì đến khi đã từng trải, ai cũng cảm nhận cái Tết đến từ sâu thẳm cội nguồn, mà gia đình là nơi nuôi dưỡng, hun đúc nên nó. Ngày Tết, ai cũng hối hả trở về, về với gia đình và về với chính mình. Quanh năm đi ngược về xuôi, Tết là cái mốc để mọi dấu chân dừng lại trên chặng đường mưu sinh và làm tròn bổn phận với Đất Trời, với tổ tiên, ông bà, cha mẹ… Trong mối giao cảm đầy thành kính đó, có lẽ ai cũng nhận thấy “cõi thiêng”, vốn hiện diện ở một chiều không gian khác xa lắm, đang mỗi lúc mỗi gần hơn, tưởng như có thể cảm nhận được bằng chính những giác quan sinh học đời thường.
Có thể nói, mỗi phong tục, tập quán, lễ nghi ngày Tết là một bài học đi sâu vào tâm khảm mỗi người, khơi dậy mầm thiện lương từ khi thơ ấu nhìn người lớn làm rồi mặc nhiên ngấm vào tiềm thức lúc nào không hay. Từ lễ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp, lễ Tống cựu nghênh tân, lễ Tất niên, Giao thừa, đến xông nhà, chúc Tết, khai bút, mừng tuổi, thăm hỏi họ hàng, làng xóm… tất cả đều như gần mà lại như xa, ai cũng thuộc nằm lòng, mà rồi ai cũng phải hỏi nhau “làm thế nào, làm ra sao” cho thật đúng, thật chuẩn. Điều đó thể hiện tâm linh trong sâu thẳm mỗi chúng ta là điều quá đỗi thiêng liêng, nên ai cũng thận trọng, sợ rằng nhỡ quên điều gì mà mạo phạm hay bất kính với tổ tiên!
Từ Rằm tháng Chạp trở đi, ai nấy lâng lâng trong không khí hối hả của những ngày cuối năm, khi đất trời đã ngập tràn hương vị Tết. 23 tháng Chạp là cái Tết đã thực sự cận kề. Đó là ngày các gia đình tiễn Thần Bếp lên Thiên đình để kính cáo với Ngọc Hoàng mọi sự trong đời sống gia chủ suốt một năm qua; đó còn là ngày hội “thi tài” của những phụ nữ đảm đang quanh năm quán xuyến cho bếp nhà mình đỏ lửa. Từ tinh mơ, họ đã sấp ngửa ra chợ mua sắm đồ lề, ngoài hương nến, rau thịt, trái cây, hoa tươi như mọi bữa thì ai cũng sắm thêm bộ vàng mã “hai ông một bà” và ba chú cá chép lửa. Cúng xong thì thả cá chép ra hồ, rồi cả nhà con cháu quây quần “thụ lộc”, tiếng cười tiếng nói vang khắp đầu xóm, cuối làng. Mùi hương trầm ngây ngất quyện với mùi cỗ bàn tỏa trên các nóc bếp khiến bầu không khí đang lây phây mưa bụi cứ cô đặc dần thành một thứ mùi hương thượng hạng - hương thơm của Tết.
Sau khi ông Công ông Táo lên trời, các nhà sẽ tranh thủ “bao sái” bát hương, dọn dẹp, bày biện ban thờ thật trang nghiêm để sẵn sàng đón chư vị Thần linh và Tiên tổ trở về ăn Tết cùng con cháu. Đây chính là nghi thức tống cựu nghênh tân, diễn ra vào những ngày cuối cùng của năm cũ. Nhà nào cũng quét dọn thật sạch sẽ, lau chùi, sắp xếp lại đồ đạc, mọi ngóc ngách đều được thổi vào luồng sinh khí tươi mới để đón xuân sang.
Sáng 30, không gian sực nức mùi bánh chưng ngậy bùi mới vớt, nồi nước tắm lá mùi bốc hơi ngào ngạt để tẩy đi những uế tạp, đen đủi đã qua và sẵn sàng đón một năm mới hân hoan, ngập tràn hy vọng vào những điều tốt đẹp sắp tới. Thiêng liêng nhất là lễ cúng Giao thừa, thời khắc Trời - Đất giao hòa, vũ trụ gửi xuống những tín hiệu tâm linh để con cháu tương thông với tổ tiên, ông bà và những người thân đã khuất. Lúc này, nhà nào cũng chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên với đầy đủ món ăn truyền thống như nem rán, giò chả, dưa hành, bánh chưng, măng miến… và một mâm cúng Giao thừa ngoài trời với đĩa xôi gấc, con gà trống hoa luộc cánh tiên, mỏ ngậm bông hồng đỏ. Ban thờ được bày biện, trang hoàng đèn nến lung linh, nổi bật nhất là mâm ngũ quả với nải chuối tiêu xanh biếc ôm trong lòng trái bưởi vàng mơ, những trái cam canh chín mọng, chùm nho phấn biếc, phật thủ vươn ngón tay cong mềm như muốn hứng lấy những sợi khói nhang đang bảng lảng... Tất cả sắc màu và hương thơm của hoa trái đều đang phô phang tinh túy để cùng tôn nhau lên trong một tổng thể hài hòa, làm thành một bức tranh tuyệt mỹ.
Ngoài kia, vũ trụ đang chuyển mình trong đêm tĩnh lặng, không gian thờ cúng dưới mỗi mái nhà cũng đang tỏa ra thứ sắc hương kỳ diệu, mời gọi các thành viên cùng hướng về nơi linh thiêng nhất để gửi gắm niềm tin và hy vọng. Xa xa, tiếng chuông chùa ngân nga báo thời khắc chuyển giao đã tới, tất cả cùng đánh thức mọi giác quan khiến niềm xúc động cứ thế trào dâng. Tiếng khấn mời gia tiên về ăn Tết cùng con cháu; giọt lệ rưng rưng đọng trên khóe mắt khi tạ ơn Trời Phật, Thánh thần và hồn thiêng sông núi đã phù hộ cho gia đình năm qua mạnh khỏe, bình an… là những dấu ấn tâm linh chân thật nhất mà ai cũng có thể cảm nhận rõ ràng trong khoảnh khắc trọng đại.
Sau Giao thừa là tục hái lộc, xông nhà, chúc Tết, mừng tuổi…, những cuộc đoàn viên thân thương và ấm áp nhất dưới mỗi mái nhà, biểu hiện cao nhất của văn hóa đối nhân xử thế trong gia đình Việt. Người lớn dặn con trẻ phải ngoan, không được nói tục, nói bậy, không khóc lóc, cãi vã; khách đến nhà phải chào hỏi lễ phép; không được đến nhà ai vào sớm Mùng 1, vì đến sớm là xông đất nhà người ta. Theo các cụ, xông đất, xông nhà là quan trọng lắm, ai cũng mong được người hiền lành, đức độ, thành đạt đến xông nhà mình vào ngày đầu tiên của năm mới để lấy may, lấy khước. Ai cũng mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với nhau, vì thế lời chúc “An khang, thịnh vượng”, “Học giỏi chăm ngoan”, “Công tác tiến bộ”, “Làm ăn bằng năm bằng mười năm ngoái”…cứ thế trao qua gửi lại, râm ran khắp mọi miền quê, con phố, nghe sao mà thân thương, gần gũi đến thế. Con cháu chúc Tết ông bà, cha mẹ, anh chị em họ hàng, làng xóm, bạn bè chúc Tết lẫn nhau bằng tình cảm chứa chan, đầm ấm và rất đỗi chân tình.
Được đón Tết cùng gia đình có lẽ là điều may mắn và hạnh phúc nhất của đời người. Thời gian đi qua, những người thân cứ dần xa khuất, chỉ còn lại bóng hình, lời nói, tiếng cười nơi ký ức, chúng ta lại càng hiểu và trân quý điều đó. Cảm tạ các bậc tiền nhân đã để lại cho thế hệ sau những phong tục đẹp đẽ và nhân văn trong ngày Tết! Từ đó, ta mới hiểu gia đình là cội nguồn nuôi dưỡng đời sống tâm linh - sợi chỉ đỏ xuyên suốt để mỗi người lớn lên và trưởng thành không đi chệch hướng. Suối nguồn tâm linh đã nối liền những thế hệ với nhau để làm nên gia đình, dòng họ và cả một dân tộc Việt trường tồn trước bao biến thiên của lịch sử.
CAO HUYỀN